Chúng tôi xin chia sẻ lại thông tin về quyết định 13 về điện mặt trời áp dụng từ đầu năm 2021.

Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020, điện mặt trời mái nhà được kỳ vọng phát triển mạnh

Ngày 6/4/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (gọi tắt là Quyết định 13). Quyết định này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 22/5/2020 để thay thế Quyết định 11/2017/ QĐ-TTg hết hiệu lực từ ngày 30/6/2019.

 

Một trong những nội dung quan trọng mà người dân và khách hàng sử dụng điện quan tâm là giá điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) từ sau thời điểm 30/6/2019. Căn cứ nội dung của Quyết định 13, các Tổng công ty Điện lực sẽ thực hiện ký hợp đồng mua điện và thanh toán tiền điện đối với các dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã chốt chỉ số công tơ để bắt đầu giao nhận điện và thanh toán tiền điện kể từ ngày 01/7/2019.

Các tiêu chí xác định dự án ĐMTMN được nêu rõ trong Quyết định 13 như sau: Dự án ĐMTMN là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 01 MW (hoặc không quá 1,2 MWp), đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống.

Trong thời gian chờ ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã có văn bản số 3641/BCT-ĐL ngày 21/5/2020, trong đó cho phép tạm thời sử dụng Hợp đồng mua bán điện mẫu được quy định tại Thông tư số 05/2019/TT-BCT ngày 11/3/2019 của Bộ Công Thương có điều chỉnh giá mua bán điện phù hợp với Quyết định 13 để ký hợp đồng mua bán điện với Chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành sau ngày 30/6/2019. Như vậy từ ngày 23/5/2020 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có thể thực hiện việc ký hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng. Sau khi Thông tư hướng dẫn Quyết định 13 được ban hành, Tập đoàn sẽ ký Hợp đồng mới theo quy định của Thông tư.

Việc thực hiện thanh toán tiền điện với giá mua điện theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg (giá mua điện được áp dụng trong 20 năm kể từ ngày dự án vào vận hành phát điện và xác nhận chỉ số công tơ), cụ thể như sau:

– Từ ngày 01/7/2019 đến 31/12/2019, giá mua điện (chưa bao gồm  giá trị gia tăng) là 1.913 đồng/kWh (tương đương với 8,38 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 31/12/2018 là 22.825 đồng/USD).

– Từ ngày 01/01/2020 đến 31/12/2020, giá mua điện (chưa bao gồm  giá trị gia tăng) là 1.940 đồng/kWh (tương đương với 8,38 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày 31/12/2019 là 23.155 đồng/USD).

– Kể từ năm 2021 và các năm tiếp theo, giá mua điện (chưa bao gồm  giá trị gia tăng) được xác định theo từng năm bằng tiền đồng Việt Nam (tính đến hàng đơn vị đồng, không làm tròn số) tương đương với 8,38 UScents/kWh nhân với tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố áp dụng cho ngày cuối cùng của năm trước.

Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ chính thức có hiệu lực là “cú hích” tạo đà cho ĐMTMN phát triển. Với nhiều lợi ích mang lại cho chính chủ đầu tư cũng như cộng đồng, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà những năm gần đây đã được người dân, doanh nghiệp quan tâm. Trong 4 tháng đầu năm 2020 đã có thêm 5.254 dự án điện mặt trời mái nhà bán điện cho EVN với tổng công suất lắp đặt là 178,66 MWp, sản lượng điện phát lên lưới là 137,1 triệu kWh. Lũy kế đến nay, trên phạm vi cả nước đã phát triển 27.631 dự án điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt là 562,8 MWp. Cũng trong 4 tháng đầu năm, các công trình điện mặt trời mái nhà đã phát lên lưới điện quốc gia hơn 137,1 triệu kWh. Những lợi ích thiết thực do điện mặt trời áp mái đem lại đã rất rõ ràng:

– Giảm chi phí tiền điện hàng tháng do điện được sản xuất và sử dụng trực tiếp vào giờ cao điểm hoặc giảm giá mua điện bậc cao;

– Tăng thu nhập nhờ bán lại phần sản lượng điện không sử dụng cho EVN;

– Không tốn diện tích đất khi lắp đặt;

– Được đấu nối vào lưới điện hạ áp và trung áp hiện hữu nên giảm áp lực đầu tư lưới điện truyền tải;

– Chống nóng hiệu quả cho công trình;

– Góp phần bảo vệ môi trường.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xác định rõ, xuất phát từ lợi ích chung của xã hội và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, EVN đã và đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích đặc biệt với Điện mặt trời áp mái; đơn giản hóa thủ tục đăng ký, cung cấp các dịch vụ đăng ký mua bán điện mặt trời áp mái trực tuyến.  Hiện nay, trình tự thủ tục đấu nối và mua điện mặt trời rất đơn giản, sau khi lắp đặt, chủ đầu tư có nhu cầu bán điện chỉ cần liên hệ Tổng đài Chăm sóc khách hàng của ngành Điện để được hỗ trợ kiểm tra miễn phí điều kiện hòa lưới, lắp đặt điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời. EVN đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện website solar.evn.vn để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, doanh nghiệp có thể tìm hiểu và tiếp cận với mọi thông tin liên quan về điện mặt trời áp mái trên các ứng dụng công nghệ thông tin và các website chăm sóc khách hàng ngành Điện.

Với tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái ở Việt Nam rất lớn, EVN xác định rõ việc hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái là một trong những chủ trương quan trọng bởi đây là nguồn cung cấp điện hiệu quả, giải pháp thiết thực cho việc đáp ứng nhu cầu điện năng ngày một tăng cao./.

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Ban Truyền thông – Tập đoàn Điện lực Việt Nam;

Email: bantt@evn.com.vn

Điện thoại: 024.66946405/66946413;   Fax: 024.66946402

Địa chỉ: Số 11 phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình – Hà Nội;

0 0 Đánh giá
Article Rating
Đăng ký nhận tin
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Bạn có câu hỏi hoặc đóng góp ý kiến, Vui lòng nhập ngay để được giải đáp nhanh!x
()
x